PAH Design

Công ty bảo vệ: Văn hóa ứng xử nơi công sở: Đầu tiên nên tập cười

(TBKTSG Online) - Kéo dài hơn 2 giờ, buổi giao lưu trực tuyến về "Văn hóa ứng xử và giao tiếp nơi công sở" với ông Võ Bá Đức, nguyên giảng viên môn Văn hóa ứng xử và giao tiếp - Trường Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TPHCM phần nào đã giải đáp được những thắc mắc của bạn đọc.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

Hoang Uyen: Trong cuộc sống đôi khi ai cũng gặp những khó khăn, lúc vui, lúc buồn. Xin ông cho biết làm thế nào để luôn được tươi cười vui vẻ? Vì tôi hiện là tiếp tân của một cơ quan.

Ông Võ Bá Đức: Nếu bạn là tiếp tân thì điều cần có là nụ cười, bạn phải tập cười như tập hát vậy, bạn lấy cây bút chì kê giữa 4 răng cửa của hai hàm răng và bạn nói E, E và làm nhiêu lần như thế sẽ quen, cơ mặt của bạn sẽ V lên khi bạn mở miệng nói là nét mặt của bạn tươi lên liền. Bạn phải biến nụ cười của bạn thành nụ cười "công nghiệp" tức là cười để làm việc. Dù cho bạn có nhiều nỗi buồn thì cũng cố nén lại để nở nụ cười mà làm việc. Chúc bạn luôn tươi cười và thành công bởi nụ cười của bạn.

Flamyxinh: Hiện giờ không có một chuẩn mực hay bài học cụ thể để giáo dục đại đa số người dân về văn hóa ứng xử, nên việc ứng xử một cách "có văn hóa" đôi khi cũng khó khăn với cả những người được cho là "có văn hóa" (được học hành/giáo dục đầy đủ). Vậy với tình hình đó, theo ông nhà nước cần cải tổ hay khuyến khích, hoặc đẩy mạnh tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho người dân bằng cách nào?

Ông Võ Bá Đức: Ý kiến của bạn rất hay, vấn đề này ngành giáo dục của ta bỏ quên từ nhiều năm nay cho nên mới có không ít người ứng xử thiếu văn hóa như thế. Cũng may là cũng còn có nhiều người được sự giáo dục của gia đình và sự tự rèn luyện nên họ có văn hóa. Người có học vấn cao nhưng chưa hẳn là ứng xử có văn hóa, vì văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra cho nên nó phải được con người đem ra ứng xử.

Theo tôi thì ngành giáo dục nên biên soạn giáo trình về văn hóa giao tiếp và ứng xử để dạy cho các cấp học giúp cho thế hệ trẻ sau này biết cách làm người. Hiện tại tôi đã biên soạn giáo trình này để giảng dạy cho một số trường nghiệp vụ du lịch. Nếu bạn cần thì tôi có thể chia sẻ với bạn.

Phan Huê: Chúng ta có nên thay đổi cách xưng hô chú, bác, dì, cậu, con, cháu trong công sở không? Nếu thay đổi thì nên gọi như thế nào cho phù hợp?

Ông Võ Bá Đức: Theo tôi thì trong công sở phải xưng hô theo chức danh đối với người có chức vụ, xưng hô bằng tên đối với người cùng trang lứa. Đối với người lớn tuổi thì ta dùng đại từ nhân xưng: ông/bà. Không xưng hô theo kiểu gia đình ở trong công sở nhé.

Phương Quỳnh: Theo ông, một người đứng đầu công ty nên có những phương pháp gì và làm như thế nào để thực hiện tốt văn hóa ứng xử và giao tiếp nơi công sở?

Ông Võ Bá Đức: Nếu có một người đứng đầu công ty quan tâm đến văn hóa ứng xử thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của công ty đó. Bởi thông thường các vị giám đốc ít khi học về văn hóa ứng xử và giao tiếp lắm, vì họ cứ tưởng là họ có đủ văn hóa rồi. Phương pháp tốt nhất là người lãnh đạo phải gương mẫu học về văn hóa ứng xử và giao tiếp và gương mẫu trong thực hiện thì công ty của bạn sẽ thành công. Tôi khuyên bạn nên xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp của mình.

Hong Phuong: Thưa ông, hình thức tổ chức huấn luyện văn hóa công sở như thế nào là tốt? Mời báo cáo viên nhiều lần trong một năm (có thể trùng vào những đợt tuyển dụng) hay cơ quan tự tổ chức để người lãnh đạo nhắc nhở thuờng xuyên (theo bài bản và nội dung cụ thể), phương pháp nào có tác dụng tốt hơn?

Ông Võ Bá Đức: Theo tôi cơ quan của bạn nên mời báo cáo viên về tập huấn một lần cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong vòng 3 đến 4 ngày. Bạn có thể chia thành 2 lớp, sáng và chiều để mọi người đều được tham gia. Sau khóa học cơ quan bạn phải xây dựng một bảng nội quy với những điều quy định buộc mọi người phải thực hiện. Cần phải có biện pháp cứng mới được.

Hong Phuong: Đã có quy chế văn hóa công sở, nhưng cán bộ ở một số cơ quan hành chính của nhà nước vẫn chưa thực hiện theo. Chúng tôi cũng biết rằng cũng do đồng lương chưa thỏa đáng mà họ chưa nhiệt tình. Theo ông nên có biện pháp gì có hiệu quả hơn không?

Ông Võ Bá Đức: Quy chế đã có, các bộ ngành và các đơn vị cũng có quy chế nhưng thực hiện thì chưa đến đâu cả, có lẻ hô khẩu hiệu thì to còn làm thì nhỏ giọt. Vấn đề này không bị ảnh hưởng bởi tiền lương mà nó xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Có thể do sự giáo dục ở gia đình, ở cơ quan và xã hội còn quá ít cho nên ngày nay còn quá nhiều người ứng xử thiếu văn hóa đến thế.

Về biện pháp, theo tôi các cơ quan phải có những nội quy bắt buộc mọi người thực hiện, có kiểm tra, có đánh giá chấm điểm đạo đức và phải làm thường xuyên liên tục, không nên làm theo kiểu phong trào, đầu voi đuôi chuột.

Nghi: Tôi là một nhân viên trẻ mới vào làm việc tại công ty, khổ một nỗi cơ quan tôi đa phần là chị em phụ nữ. Trong giờ làm việc các chị em thường bàn tàn chuyện gia đình chồng con, người yệu, đến cả những chuyện tế nhị làm tôi rất khó chịu và khó xử nữa, bỏ ra ngoài thì đang trong giờ làm việc, còn góp ý thẳng thì tôi không dám. Xin chuyên gia có thể cho tôi một lời khuyên làm thế nào để khắc phục được tình trạng này.

Ông Võ Bá Đức: Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của chị. Trong tình huống này theo tôi, chị nên nói thẳng trong một cuộc họp của cơ quan và yêu cầu lãnh đạo có biện pháp dẹp ngay việc buôn dưa lê, tán gẫu trong giờ làm việc. Nếu chị không dám nói thì nên gặp riêng thủ trưởng trực tiếp của mình để được sự giúp đỡ.

Hoang Anh: Vì sao những người Việt Nam làm các ngành dịch vụ không bao giờ nghĩ là mình bất lịch sự khi để bộ mặt "hình sự" phục vụ khách? Có phải do Việt Nam không văn minh như phương Tây nơi một người mặc đồ xấu xí cũng được phục vụ đàng hoàng ở những nơi cung cấp dịch vụ?

Ông Võ Bá Đức: Chào bạn, điều bạn nói chính là điều đau lòng của nhiều người Việt Nam biết quý trọng truyền thống văn hóa của dân tộc. Một số người thiếu văn hóa đã làm tổn hại đến thanh danh của dân tộc. Thấy được vấn đề này là bức xúc, nên ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 129 ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Quy chế quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ cũng như việc bài trí công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước.

Boi Ngoc: Ông vui lòng cho biết, công ty có nên tổ chức huấn luyện văn hóa ứng xử và giao tiếp cho tất cả cán bộ, nhân viên mới được nhận vào làm việc hay không, vì như thế mới tạo được một đội ngũ chuyên nghiệp và cũng để tạo ấn tượng tốt với đối tác của công ty? Những người cũ (làm việc lâu năm) có cần được định kỳ "ôn lại" những bài học này không?

Ông Võ Bá Đức: Công ty của bạn nên tổ chức tập huấn về văn hóa ứng xử và giao tiếp cho tất cả cán bộ và nhân viên (cũ + mới) vì đây là tiêu chuẩn cần phải có đối với bất kỳ một công nhân viên chức nào. Có kỹ năng và nghệ thuật giao tiếp tốt sẽ giúp bạn thành công trong kinh doanh, trong sự nghiệp và trong cuộc sống đời thường. Khi nào cần xin bạn vui lòng liên hệ với tôi qua số máy di động: 091 8101913.

Nguyễn Việt Nga: Công việc của ông rất thú vị. Ông có kế hoạch gì để thay đổi văn hóa ứng xử nơi công sở ở Việt Nam?

Ông Võ Bá Đức: Câu hỏi của bạn thật hóc búa đây. Tôi không nghĩ rằng mình làm được chuyện lớn như bạn nói đâu. Tôi hy vong góp một phần nhỏ trong công cuộc cải cách hành chính và xây dựng văn hóa công sở mà cả nước ta đang quan tâm. Nếu được sự đông tình của tất cả mọi người thì tôi tin rằng một ngày không xa, các công sở của ta sẽ có văn hóa tốt hơn ngày nay.

Boi Ngoc: Ông vui lòng cho biết, người trực tổng đài ở công ty có nên là người ở địa phương hay không, để có được giọng nói chuẩn ở địa phương đó. Ví dụ công ty ở TPHCM thì tổng đài viên phải là người Nam bộ, không nên là người Bắc, Trung hoặc nói giọng Bắc, Trung? Cám ơn ông.

Ông Võ Bá Đức: Theo tôi thì người miền nào cũng có thể làm người trực tổng đài nhưng phải có 3 điều kiện như sau: (1) có kỷ năng giao tiếp ứng xử tốt; (2) phải rèn giọng nói dễ nghe, nói theo giọng Hà Nội hoặc Sài Gòn; (3) phải biết dùng từ phổ thông và thông thạo từ ngữ của địa phương mà công ty bạn đang đóng.Có đủ 3 điều kiện đó thì nhân viên trực tổng đài sẽ làm việc tốt cho công ty của bạn.

Tôi xin lưu ý với bạn là nên cho các nhân viên trực tổng đài hiện nay học một khóa kỹ năng giao tiếp độ 3 ngày và ứng dụng được ngay.

Hoang Anh: Theo ông, có phải chỉ có những người quen biết mới được vào những cơ quan cung cấp dịch vụ của Nhà nước như sân bay, Ngân hàng quốc doanh... cho nên thái độ phục vụ ân cần không ở những người này?

Ông Võ Bá Đức: Chào bạn, câu nhận xét của bạn có đúng một phần, nhưng về thái độ ứng xử thì tùy người, có nhiều người có thái độ phục vụ rất tốt. Tuy nhiên ở những cơ quan dịch vụ công hầu hết cán bộ, viên chức Nhà nước quên rằng người dân là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế. Họ ảo tưởng rằng họ là người có quyền ban phát, người dân là người đi xin. Tôi thấy nhiều cơ quan nhà nước chưa có trang bị cho nhân viên những kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử, cho nên họ thường thiếu mất thái độ ân cần, lễ độ, vui vẻ và niềm nở với người dân.

Boi Ngoc: Thưa ông, không phải ai đã được huấn luyện văn hóa công sở cũng áp dụng vào công việc. Có nhiều người vì cá tính (không cởi mở, cộc cằn,...) mà có thái độ không lịch sự với người xung quanh, mà chính họ cũng không biết, hoặc không sửa dù đã được nhắc nhở, phê bình, công ty phải làm sao? Cám ơn ông.

Ông Võ Bá Đức: Chào bạn, cảm ơn sự quan tâm của bạn. Đúng như bạn nói, nếu ai học văn hóa ứng xử rồi cũng đều trở thành người giao tiếp ứng xử tốt thì còn gì vui cho bằng. Còn nếu trong đơn vị có những người có cá tính như bạn nói  thì công ty của bạn nên có những nội quy cụ thể về những nguyên tắc ứng xử bắt buộc để mọi người thực hiện và có kiểm tra, có đánh giá hạnh kiểm theo mỗi lần bình chọn thi đua của đơn vị. Đây là cách tốt nhất để mọi người rèn luyện thói quen tốt.

Nếu đơn vị của bạn chưa tổ chức tập huấn về văn hóa ứng xử công sở thì bạn nên tổ chức cho anh em học vài ngày, bây giờ hãy còn kịp. Chúc bạn sức khỏe và thành công, hẹn gặp lại bạn ở những câu hỏi sau nhé.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 17 giờ. Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc và ông Võ Bá Đức, nguyên giảng viên môn Văn hóa ứng xử và giao tiếp - Trường Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TPHCM đã tham gia giao lưu trực tuyến.

Xin hẹn giao lưu cùng bạn đọc vào buổi giao lưu trực tuyến lần sau, trong một chủ đề thú vị khác.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online