PAH Design

Công ty bảo vệ: Cậu bé 3 năm trời không biết khóc

cau-be-3-nam-troi-khong-biet-khoc

Từ khi sinh ra đến nay, cậu bé chưa một lần khóc thành tiếng. Đã gần tròn 3 tuổi, nhưng em nặng chưa đầy 7kg. Chân đứng không vững, nên muốn di chuyển em chỉ lết bằng đôi tay bé như que củi.

 

Tôi gặp cậu bé cùng bố mẹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khi cậu được bố mẹ “đánh liều” cho cậu xuống Hà Nội khám bệnh với hi vọng sẽ có một phép màu giúp con thoát khỏi những tháng ngày khổ ải do căn bệnh tim bẩm sinh mắc phải. Tôi gọi là “đánh liều”, bởi với bố mẹ cậu, việc có cái gì đút cho con ăn hàng ngày đã quá vất vả, huống hồ là đem con đi chữa bệnh, nhất là khi bệnh tim muốn phẫu thuật thì chi phí dự trù cũng phải mất hàng chục triệu trở lên.

Người tôi nói đến là cậu bé Lò Tuấn Lực, người dân tộc Tày, một cậu bé non nớt, đáng thương khi mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh quái ác. Chị Xa Thị Chắc (sinh năm 1985, ở xóm Tát, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), mẹ của bé Lực – sau buổi chẩn khám căn bệnh tim sáng nay, ngồi canh cho con giấc ngủ trưa trong căn nhà trọ nóng nực và chật chội.

caube3namtroikhongbietkhoc_2

Không nói , không khóc được, cũng không đứng được do cơ thể gầy yếu vì suy dinh dưỡng từ hệ quả của bệnh tim gây ra

Chị nói với tôi về bệnh tình của bé, gương mặt toát lên nỗi buồn bã của một người mẹ khi thấy con đau đớn mà không biết phải làm gì. “Sáng nay bác sĩ vừa khám xong đã bảo chiều phải nhập viện gấp, bệnh tình của cháu chắc giai đoạn nguy kịch lắm rồi. Trước đây có đoàn bác sĩ từ thiện lên khám cho cháu, đã bảo phải cho cháu nhập viện sớm, mà tôi nào có tiền, nên cứ lần lữa mãi…”, chị Chắc cho hay.

Để đưa con xuống Hà Nội khám lần này, cả 2 vợ chồng chị Chắc và anh Lò Văn Thế phải đi vay nóng người ta 3 triệu đồng với lãi suất 15.000 đồng/ngày. “Tôi cũng chỉ cho cháu khám thôi, chứ để theo đuổi việc chạy chữa cho con thì quá sức. Tiền không có, cả gia đình chỉ trông vào hai sào ruộng, anh nhà lại vừa bị gẫy chân sau chuyến đi rừng…”, chị Chắc kể.

Theo chị Xa Thị Chắc, cậu bé Lực khoảng 3 tháng nữa là tròn 3 tuổi. Nhưng khác với những đứa trẻ bình thường khác, Lực chỉ nặng gần 7kg. Gần 3 năm nay, em chưa một lần khóc thành tiếng, chân cũng đứng không vững. Muốn đi đâu em lết bằng đôi tay và mông, đến nỗi phần da mông chai sạn đóng thành lớp.

cau_be_3_nam_ko_niet_khoc_3

Bị tim bẩm sinh, bé Lực thường xuyên tím tái, khó thở

Tôi vén quần của cậu bé để nhìn kỹ đôi chân của em. Sờ vào đôi chân khẳng khiu, bé như que củi, tự dưng tôi thấy thương cậu bé chi lạ. Phần cơ thể ốm yếu, nhỏ nhoi là vậy nhưng thực sự quá sức cho đôi chân bé nhỏ yếu ớt có thể trụ vững. Thấy tôi nắm chân, cậu bé lại tưởng bị bác sĩ khám, đôi chân đạp liên hồi vào mẹ như tìm một sự che chở, bởi em không biết khóc.

“Trông bé tí thế này chứ cháu nó cũng nghịch lắm anh à, nhưng mà nghịch một tí lại mệt, lại đau, có hôm nằm liệt cả tuần giời. Cháu ăn uống kém lắm, mà hình như cháu không ăn được, cứ ăn vào lại nôn ra hết. Không nói được, không khóc được, không đi được, nhưng cháu hiểu hết những gì chúng tôi trao đổi”, anh Lò Văn Thế xen vào câu chuyện.

Trong hình dung của đôi vợ chồng, bệnh tim bẩm sinh là gì anh chị cũng không hiểu hết. Hai vợ chồng chỉ biết là căn bệnh khiến con trai của mình thường xuyên tím tái, khó thở. “Nói không ra hơi nhưng thở thành tiếng” – đó là cụm từ vắn tắt mà căn bệnh của cậu bé Lực mắc phải.

“Lần này vợ chồng tôi đánh liều cho con xuống khám nhưng mà chắc cũng chỉ được vài ngày thôi. Vợ chồng tôi chỉ ước có một phép màu xảy ra cho con. Vợ chồng tôi thiếu ăn, thiếu uống, có khổ mấy cũng được, nhưng thấy con thiếu sức sống thế này đau xót lắm anh à”, chị Chắc nói lặng lẽ, ánh nhìn như mơ về một điều kì diệu sẽ xảy đến…

Thế Nam - Dantri

TBSC - Các tổ chức, cá nhân có điều kiện và lòng hảo tâm xin dành một chút sự quan tâm, chia sẻ với hoàn cảnh của em Võ Thị Bích Phượng.

Mọi đóng góp xin gửi về: Chị Xa Thị Chắc hoặc anh Lò Văn Thế (ở xóm Tát, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) hoặc giúp đỡ trực tiếp tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

ĐT: 01628.661.474

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: